Mức độ Nghèo

Khu nhà người nghèo tại Soweto, Cộng hòa Nam Phi

Nghèo trên toàn thế giới

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới thì trong năm 2001 trên toàn thế giới có 1,1 tỉ người (tương ứng với 21% dân số thế giới) có ít hơn 1 đô la Mỹ tính theo sức mua địa phương và vì thế được xem là rất nghèo. (Năm 1981 là 1,5 tỉ người, vào thời gian đó là 40% dân số thế giới, năm 1987 là 1,227 tỉ người tương ứng 30% và năm 1993 là 1,314 tỉ người tương đương với 29%).

Phần lớn những người này sống tại châu Á, thế nhưng thành phần những người nghèo trong dân cư tại châu Phi lại còn cao hơn nữa. Các thành viên của Liên Hiệp Quốc trong cuộc họp thượng đỉnh thiên niên kỷ năm 2000 đã nhất trí với mục tiêu cho đến năm 2015 giảm một nửa số những người có ít hơn 1 đô la Mỹ. (Điểm 1 của những mục đích phát triển thiên niên kỷ). Theo thông tin của Ngân hàng Thế giới vào tháng 4 năm 2004 thì có thể đạt được mục đích này nhưng không phải ở tất cả các nước. Trong khi nhờ vào tăng trưởng kinh tế tại nhiều vùng của châu Á, tỷ lệ người nghèo giảm xuống rõ rệt (từ 58% xuống còn 16% tại Đông Á) thì con số những người nghèo nhất lại tăng lên ở châu Phi (gần gấp đôi từ 1981 đến 2001 phía Nam sa mạc Sahara). Tại Đông ÂuTrung Á con số những người nghèo nhất đã tăng lên đến 6% dân số. Nếu như đặt ranh giới nghèo là 2 đô la Mỹ mỗi ngày thì có tổng cộng là 2,7 tỉ người nghèo, gần một nửa dân số thế giới.

Một gia đình thuyền nhân năm 1979

Nếu xếp theo thu nhập bình quân đầu người thì các nước sau có tỉ lệ người nghèo cao nhất: Malawi, Tanzania, Guiné-Bissau, BurundiYemen

Bên cạnh nguyên nhân chính trị, nghèo đói cũng là một nguyên nhân lớn của hiện tượng dân di cư từ vùng núi về đồng bằng, từ nông thôn về thành thị, từ các nước thứ ba về các nước phát triển gây nên hiện tượng thuyền nhân.

Nạn nghèo tại Áo

Theo số liệu của Bộ Xã hội ("Báo cáo về tình trạng xã hội 2003–2004") thì trong năm 2003 có hơn 1 triệu người ở Áo (13,2% dân cư) có nguy cơ nghèo. Trong năm 2002 là 900.000 hay 12%, năm 1999 là 11%. Ranh giới nguy cơ nghèo là 60% của thu nhập trung bình. Theo đó thì cứ mỗi 8 người thì có một người là có thu nhập ít hơn 785 Euro/tháng. Phụ nữ có tỷ lệ nguy cơ nghèo cao hơn (14%).

Bên cạnh nghèo về thu nhập như là chỉ số cho tình trạng tài chính của một gia đình, ở Áo còn có „nghèo nguy kịch" khi ngoài việc thiệt thòi về tài chính còn có thiếu thốn hay hạn chế nhất định trong những lãnh vực sống cơ bản. Trong năm 2003 có 467.000 người (5,9% dân số) nghèo nguy kịch. Trong năm trước còn là 300.000 người hay 4%. Theo một bản báo cáo của hội nghị về nạn nghèo, lần đầu tiên có số liệu về cái gọi là "working poor": tại Áo có 57.000 người nghèo mặc dầu là có việc làm. Ngoài ra mức độ nguy cơ nghèo phụ thuộc vào công việc làm: Những người làm việc cho đến 20 tiếng hằng tuần có nguy cơ nghèo gấp 3 lần, những người làm việc từ 21 đến 30 tiếng có nguy cơ nghèo gấp đôi những người làm việc từ 31 đến 40 tiếng.

Nạn nghèo tại Đức

Thu nhập tương đương sau thuế hằng tháng do Cục Thống kê Liên bang tính toán vào năm 2002 là 1.217 Euro trong các tiểu bang cũ và 1.008 Euro trong các nước tiểu bang mới. Theo các tiêu chí của Liên minh châu Âu cho ranh giới nghèo (60%) thì như vậy ranh giới nghèo nằm vào khoảng 730,20 Euro cho phía Tây và 604,80 Euro cho phía Đông của nước Đức. Theo lệ thường thì mức sống xã hội văn hóa tối thiểu được định nghĩa bằng trợ cấp xã hội còn ở dưới ranh giới này.

Theo số liệu từ "Báo cáo giàu và nghèo lần thứ hai" do chính phủ liên bang đưa ra trong tháng 3 năm 2005 thì trong năm 2003 có 13,5% dân số là nghèo. Năm 2002 cũng theo các số liệu này thì con số đó còn là 12,7%, năm 1998 là 12,1%. Hơn 1/3 những người nghèo là những người nuôi con một mình và con của họ. Vợ chồng có nhiều hơn ba con chiếm 19%.

Trẻ em và thanh niên ở Đức có nguy cơ nghèo cao. 15% trẻ em dưới 15 tuổi và 19,1% thanh niên từ 16 đến 24 tuổi thuộc vào diện này. Số trẻ em sống nhờ vào trợ cấp xã hội ở Đức tăng thêm 64.000, lên đến 1,08 triệu trong năm 2003 và đạt đến 1,45 triệu trong thời gian 2004/2005. Theo UNICEF, trẻ em nghèo ở Đức tăng nhanh hơn so với phần lớn các nước công nghiệp. Thêm vào đó nghèo có ảnh hưởng lớn đến cơ hội giáo dục theo nghiên cứu của Hiệp hội Từ thiện Công nhân (Arbeiterwohlfahrt).

Ngược lại thì nạn nghèo ở người già tại Đức giảm đi từ 13,3% năm 1998 xuống 11,4% trong năm 2003. Thế nhưng nạn nghèo ở đây được dự đoán là sẽ tăng vì những người thất nghiệp, làm việc nửa ngày và những người thu nhập ít hiện đang có nhiều sẽ có tiền hưu ít và thêm vào đó là mức tiền hưu của tất cả những người về hưu trong tương lai (tức là tất cả những người làm việc hiện nay) sẽ bị giảm đi theo các cải tổ. Theo một nghiên cứu của Deutsches Institut für Altersvorsorge thì 1/3 công dân liên bang có nguy cơ bị nghèo đi trong tuổi già. Nguyên nhân bên cạnh việc tăng tuổi thọ là các cải tổ về chế độ hưu của năm 2001 và 2004 giảm mức độ tiền hưu theo luật pháp xuống khoảng 18% và việc nhiều công dân liên bang không sẵn sàng tự lo trước cho tuổi già vì không muốn hay không có khả năng (khoảng 60%).

Nạn nghèo ở Mỹ

Theo số liệu từ bản báo cáo của Cục điều tra dân số tháng 8 năm 2005 thì ở Mỹ con số những người có thu nhập dưới ranh giới nghèo đã liên tiếp tăng đến lần thứ tư. Có 12,7% dân số hay 37 triệu người nghèo và đã tăng 0,2% so với năm trước đó. Một gia đình 4 người được coi là nghèo khi chỉ có thể chi tiêu ít hơn 19.310 đô la Mỹ trong một năm. Đối với những người độc thân thì ranh giới này ở vào khoảng 9.650 đô la.

Nạn nghèo ở Việt Nam

Bài chi tiết: Nghèo ở Việt Nam

Theo số liệu của Chương trình Phát triển Liên Hiệp QuốcViệt Nam, vào năm 2004 chỉ số phát triển con người của Việt Nam xếp hạng 112 trên 177 nước, chỉ số phát triển giới (tiếng Anh: Gender Development Index-GDI) xếp 87 trên 144 nước và chỉ số nghèo tổng hợp (tiếng Anh: Human Poverty Index-HPI) xếp hạng 41 trên 95 nước. Cũng theo số liệu của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, vào năm 2002 tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc gia của Việt Nam là 12.9%, theo chuẩn thế giới là 29% và tỷ lệ nghèo lương thực (%số hộ nghèo ước lượng năm 2002) là 10.87%. Vào đầu thập niên 1990, chính phủ Việt Nam đã phát động chương trình Xóa đói giảm nghèo cùng với lời kêu gọi của Ngân hàng thế giới. UNDP cho rằng mặc dù Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và kết quả rất ấn tượng giảm tỷ lệ nghèo, song vẫn còn tồn tại tình trạng nghèo cùng cực ở một số vùng. Để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG), Việt Nam cần phải giải quyết tình trạng nghèo cùng cực.[1]

Cho đến năm 2009, theo chuẩn nghèo trên, cả nước Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu hộ nghèo, đạt tỷ lệ 11% dân số. Tuy nhiên, trên diễn đàn Quốc hội Việt Nam, rất nhiều đại biểu cho rằng tỷ lệ hộ nghèo giảm không phản ánh thực chất vì số người nghèo trong xã hội không giảm, thậm chí còn tăng do tác động của lạm phát (khoảng 40% kể từ khi ban hành chuẩn nghèo đến nay) và do là suy giảm kinh tế [2]. Chuẩn nghèo quốc gia của Việt Nam hiện nay là gồm những hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đến 650.000 đồng/người/tháng (QĐ 09/2011/QD-TTg). Mặc dù vậy, nhiều hộ gia đình vừa thoát nghèo vẫn rất dễ rớt trở lại vào cảnh nghèo đói. Trong thập kỷ tới đây nỗ lực của Việt Nam trong việc hội nhập với nền kinh tế toàn cầu sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho sự tăng trưởng, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với sự nghiệp giảm nghèo.